Đặc điểm cây phong ba.
Cây phong ba phát triển rất chậm, thân gỗ nhỏ mềm cao tầm 10-15m, rất hiếm. Cây được tái sinh bằng hạt và chồi, thân cây cong queo, phân cành thấp, các chùm hoa trắng mọc thành chùm ở đầu cành. Quả phong ba có đường kính khoảng 5-8cm, mọc thành chùm. Quả mang sắc xanh lục nhưng vì ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh nắng nên có khi có màu vàng hoặc nâu.
Phân bố cây phong ba trên Đảo Lý Sơn
Cây phong ba mọc khá nhiều trên Đảo Lý Sơn, phần lớn trên các sườn núi và chân Núi Thới Lới, Núi Giếng Tiền và Đảo Bé. Trước Chùa Hang có hàng phong ba đứng sát mé biển, cây lá tốt tươi, cao gần 5m, đến mùa cho nhiều hoa trái thơm lừng. Bên cạnh đó, cây phong ba cũng được thấy nhiều trên các mỏm nham thạch núi lửa, hay ở vách đá Mom Tàu và vách đá Bãi Sau.
Chúng bám vào các vách đá núi lửa hiểm trở, thân cây gân guốc phơi nắng phơi gió giữa biển trời rộng lớn và tiếng sóng biển ầm ĩ suốt ngày đêm. Cây cũng giống như một biểu tượng của người dân Lý Sơn, bền gan, bền lòng, vững chí trước sự phong ba bão táp của biển cả.
Cây cô đơn ở Đảo Bé.
Trong số các cây phong ba ở Lý Sơn thì có một cây đẹp nhất tọa lạc ở Bãi Tây Đảo Bé. Đây là nơi check – in, chụp hình nổi tiếng, vì đó là một trong những góc ảnh đẹp tại Lý Sơn. Cây cao lớn tầm 5m nằm cô đơn, trơ trọi một mình giữa đất trời bao la với hình dáng độc lạ.
Ứng dụng cây phong ba.
Cây phong ba sinh trưởng rộng, phát triển tốt ở các vùng biển, đảo, chịu được sức bão và có thể sống được trên các rạn san hô ven bờ biển để chắn gió, cố định cát. Chúng được sử dụng làm bóng mát dọc biển, tạo cảnh quan cho các công trình du lịch. Gỗ cây phong ba được khái thác làm đồ thủ công, đồ gia đình hoặc làm chất đốt.
Còn có người chơi cây cảnh ở Lý Sơn đã nhân giống cây phong ba, ghép nối với các khối đá núi lửa hoặc san hô, tạo nên hình dáng khá độc lạ. Khiến nhiều người khi đến đây đều muốn ngắm nhìn và mua những chậu phong ba dạng bonsai về làm cảnh và kỉ niệm.